Theo một nghiên cứu, tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ chiếm 42% - 64%. Mỗi năm, số lượng phụ nữ đến khám phụ khoa tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương lên đến hàng chục nghìn người và 80% trong số đó có dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa.

Đây là thực trạng báo động về nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ cần phải lưu ý và quan tâm. Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như: viêm tắc vòi trứng, gây vô sinh hoặc mang thai ngoài tử cung…đối với phụ nữ mang thai có thể dẫn đến sẩy thai hoặc đẻ non.

Vậy làm thế nào để biết được mình đã bị mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa? Khi bị viêm nhiễm phụ khoa cần phải làm gì? Là những câu hỏi thầm kín của rất nhiều chị em phụ nữ cần được giải đáp và tư vấn.

Dấu hiệu nhận biết viêm nhiễm phụ khoa

Viêm nhiễm phụ khoa là căn bệnh hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gặp phải. Đây là bệnh do vi khuẩn, vi rút, nấm, vi trùng, kí sinh…xâm nhập vào các bộ phận sinh dục nữ khiến các bộ phận này bị viêm nhiễm. Từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đếm đời sống tình dục và sức khỏe của phụ nữ.

Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm nhiễm phụ khoa rất dễ nhận biết như: rối loạn kinh nguyệt, ra khí hư bất thường (ra nhiều, khí hư có màu trắng đục, xanh hoặc vàng kèm theo mùi hôi khó chịu), ngứa, đau, rát, có mụn loét ở vùng âm hộ - âm đạo, cảm giác nóng rát khi đi tiểu hoặc đau khi giao hợp, có thể chảy máu khi giao hợp ngoài chu kỳ.

Những việc cần làm khi bị viêm nhiễm phụ khoa

Phụ nữ khi mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa sẽ khó thụ thai hơn bình thường thậm chí có nguy cơ vô sinh nếu ở trưởng hợp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên thực hiện và áp dụng những chỉ dẫn dưới đây:

- Đến ngay bệnh viện hay phòng khám chuyên khoa phụ sản để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên để lâu bởi tình trạng viêm nhiễm nặng sẽ dẫn tới vô sinh.

- Điều trị cho cả vợ và chồng theo đơn thuốc của bác sĩ.

- Luôn giữ cho bộ phận sinh dục khô, sạch, vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh theo chỉ định của bác sĩ.

- Tránh quan hệ tình dục cho đến khi khỏi bệnh.

- Không ngâm mình trong nước quá lâu, chỉ nên tắm bằng vòi sen như vậy vi khuẩn sẽ ít có cơ hội xâm nhập vào vùng kín.

- Lựa chọn đồ lót bằng vải cotton thấm mồ hôi, không nên mặc quần bó sát trong thời tiết nóng ẩm bởi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Biện pháp phòng bệnh viêm nhiễm phụ khoa

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là cách giúp làm giảm nguy cơ mắc và tái phát bệnh viêm nhiễm phụ khoa tốt nhất. Không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc, bảo vệ sức khỏe mà còn giúp bạn duy trì hạnh phúc gia đình, đôi lứa. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa cần thiết giúp bạn luôn khỏe mạnh và hưởng trọn niềm vui làm mẹ, làm vợ trong gia đình:

- Thực hành tình dục an toàn: Viêm nhiễm phụ khoa  chủ yếu do các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vậy thực hiện các biện pháp an toàn: sử dụng bao cao su, vệ sinh sạch sẽ trước khi giao hợp là cách phòng bệnh an toàn nhất.

- Sử dụng nhiều kháng sinh, thuốc tránh thai…cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại sống cộng sinh ở âm đạo. Do vậy, uống nhiều nước, không mặc quần bó sát gây nóng ẩm vùng kín sẽ giúp bạn hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

- Vệ sinh cá nhân đúng cách:

+ Nên vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh thích hợp dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, lau khô bằng khăn sạch (lau từ trước ra sau), giữ cho bộ phận sinh dục luôn sạch và khô thoáng.

+Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, việc thay băng vệ sinh thường xuyên là điều cần thiết. Các chuyên gia khuyên bạn 4 tiếng thay một lần để các vi khuẩn có hại không có cơ hội xâm nhập vào bên trong. Lựa chọn loại băng vệ sinh chất lượng là cách tốt nhất giúp hạn chế nấm, ngứa.

+ Dùng nước sạch để vệ sinh.

+ Không dùng các chất tẩy rửa mạnh hoặc xà phòng để vệ sinh vùng kín.

+ Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

- Lựa chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ an toàn, chất lượng

Chị em không nên qua loa khi lựa chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ hàng ngày. Không phải sản phẩm nào trên thị trường cũng đảm bảo chất lượng và phù hợp với vùng kín. Sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ phải đảm bảo được các tiêu chí cụ thể như: Làm sạch nhẹ nhàng, khủ mùi hôi; An toàn cho người sử dụng; Có độ pH phù hợp với môi trường âm đạo; Ngăn ngừa viêm nhiễm, nấm ngứa; Không gây khô da…vvv.